Tin KHCN trong tỉnh
Công nghệ số hỗ trợ liên kết chuỗi (25/12/2023)
-   +   A-   A+   In  
Người tiêu dùng đang ngày càng chú trọng đến việc sử dụng công cụ liên kết để tìm kiếm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Do đó, các HTX nông nghiệp, trang trại và nông dân càng phải tăng cường ứng dụng công nghệ 4.0 để quản lý, phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

MINH BẠCH THÔNG TIN SẢN PHẨM

Theo anh Lý Trung Vân, chủ trang trại gà Anh Nguyên (huyện Châu Đức), với phương châm “sạch từ trang trại đến bàn ăn”, nên gà ri được anh chăn nuôi theo quy trình nghiêm ngặt, ghi nhật ký điện tử, gắn tem truy xuất nguồn gốc QR Code, được chứng nhận chăn nuôi an toàn sinh học, sản phẩm đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm…

“Trong chăn nuôi, chúng tôi luôn ưu tiên chất lượng, sản xuất theo quy trình an toàn sinh học và minh bạch thông tin sản phẩm để sản phẩm đến tay người tiêu dùng được an toàn, đồng thời tăng cường uy tín của khách hàng và mở rộng thị trường. Đến nay, trung bình mỗi tháng, trang trại xuất bán khoảng 2.000 con gà, tương đương 3,6 tấn thịt cung cấp nguyên liệu cho quán ăn Bếp Lý gà tại TP.Bà Rịa và các cửa hàng thực phẩm sạch tại TP.Vũng Tàu, TP.Hồ Chí Minh”, anh Lý Trung Vân nói.

Người tiêu dùng quét mã QR Code để biết thông tin về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm thịt gà tại cửa hàng Nông sản bốn mùa.
Người tiêu dùng quét mã QR Code để biết thông tin về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm thịt gà tại cửa hàng Nông sản bốn mùa.

Trang trại chăn nuôi gà thịt công nghệ cao Suối Rao (xã Suối Rao, huyện Châu Đức) thuộc HTX nông nghiệp CNC Long Thành Phát cũng đã xây dựng mô hình chăn nuôi gà ứng dụng các công nghệ hiện đại nhất. Để quản lý đàn gà, ngay khi gà giống được nhập về nuôi, trang trại đã thực hiện ghi nhật ký điện tử quá trình nuôi trên phần mền quản lý thông minh. Khi gà trưởng thành, xuất chuồng và đến tay người tiêu dùng cũng được gắn tem truy xuất nguồn gốc QR Code để người tiêu dùng biết được con gà mình mua được nuôi ra sao, ngày nuôi, ăn thức ăn gì…

Trang trại đã được chứng nhận là mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh và đã xây dựng thương hiệu sản phẩm, đảm bảo tiêu chuẩn tham gia chuỗi liên kết sản xuất gà sạch có truy xuất nguồn gốc giá trị cao của Tập đoàn De Heus Hà Lan tại Việt Nam. Đến nay, sản phẩm chăn nuôi của trang trại không chỉ được tiêu thụ ở thị trường trong nước, mà còn được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản.

Chỉ vài thao tác đơn giản trên chiếc điện thoại thông minh, chị Ngọc Trang, TP.Vũng Tàu đã có thể truy xuất được thông tin như: tên sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, ngày sản xuất, hạn sử dụng, thậm chí cả nguồn nguyên liệu sử dụng trong quá trình nuôi... trên mã QR của sản phẩm thịt gà của trang trại gà Anh Nguyên một cách nhanh chóng và chính xác… “Trước đây tôi chỉ nhìn cảm quan bên ngoài để xem sản phẩm còn tươi không để chọn mua, còn bây giờ, trên sản phẩm đều có tem truy xuất nguồn gốc nên dễ dàng tra cứu thông tin sản phẩm. Việc làm này giúp người tiêu dùng chúng tôi yên tâm khi biết rõ nguồn gốc, thực phẩm nuôi gà”, chị Ngọc Trang cho biết thêm.

TĂNG CƯỜNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SỐ

Theo đánh giá của ngành NN-PTNT, muốn tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi toàn cầu, Việt Nam phải công khai, minh bạch về chuỗi sản xuất từ con giống, thức ăn, phòng bệnh, đến sơ chế, chế biến... Đặc biệt, trong xu thế hội nhập hiện nay, chăn nuôi theo hướng an toàn và truy xuất nguồn gốc là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chăn nuôi Bà Rịa-Vũng Tàu, tiến tới một nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững. Do đó, cần tăng cường ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp. Đồng thời, từng bước hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu để quản lý, giám sát và kiểm soát sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên thị trường; giúp các cơ sở xây dựng nhật ký điện tử cho sản phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động đối với sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn.

Chị Vũ Thị Phương Thảo, chủ cửa hàng Nông sản bốn mùa TP.Vũng Tàu cho biết, cửa hàng bán nhiều loại thực phẩm đa dạng từ rau củ quả, trái cây đến thịt gà, heo... Các loại nông sản khi nhập vào cửa hàng đều yêu cầu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có mã QR cho khách hàng tham khảo thông tin. “Ngoài các yêu cầu như mã QR, giấy chứng nhận ATVSTP, tôi cũng trực tiếp kiểm tra chất lượng sản phẩm, nếu thơm ngon, mới quyết định nhập về cửa hàng”, chị Phương Thảo thông tin.  

Đối với người sản xuất nông nghiệp, khi áp dụng các ứng dụng truy xuất nguồn gốc điện tử có thể cập nhật hồ sơ về sản phẩm rõ ràng, nhanh chóng, giảm thời gian ghi chép và lưu trữ nhật ký sản xuất như cách ghi chép truyền thống. Đối với người tiêu dùng có thể dễ dàng truy cập thông tin hồ sơ của sản phẩm thông qua thao tác quét mã. Đây chính là chìa khóa giúp trang trại, cơ sở và người chăn nuôi có cơ hội liên kết với các doanh nghiệp, đến gần hơn với nền sản xuất háng hoá lớn.

Nguồn: baobariavungtau.com.vn

Số lượt đọc: 4729

Về trang trước Về đầu trang