Tin KHCN trong tỉnh
Ưu tiên ứng dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý chất thải rắn (07/12/2023)
-   +   A-   A+   In  

Giảm rác thải chôn lấp, tăng tỷ lệ phân loại rác tại nguồn, ứng dụng công nghệ hiện đại để xử lý chất thải rắn… Đó là những vấn đề trọng tâm được đặt ra tại hội nghị triển khai nhiệm vụ truyền thông, phổ biến kiến thức Luật Bảo vệ môi trường (BVMT), công tác quản lý và phân loại chất thải rắn tại nguồn do Sở TN-MT tổ chức, diễn ra ngày 7/12.

Học sinh trường THCS Trần Phú (TP. Vũng Tàu) thực hiện phân loại rác tai nguồn.

Nhiều mục tiêu cụ thể

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Thái Sinh, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, sau hơn một năm triển khai xây dựng, ngày 22/8/2023 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2066/QĐ-UBND về phê duyệt “Đề án Quản lý chất thải rắn và phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến 2030”. Đề án đã tổng quan được hiện trạng công tác quản lý chất thải và phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn tỉnh; đánh giá được sự cần thiết; quan điểm; mục tiêu và kết quả quản lý chất thải rắn của tỉnh.

Mục tiêu của Đề án nhằm tăng cường năng lực quản lý CTR, tiến hành đồng thời các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác lưu giữ, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý CTR; mở rộng mạng lưới thu gom CTR; thúc đẩy phân loại CTR tại nguồn với phòng ngừa và giảm thiểu phát sinh CTRSH, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, nước ngoài trong quản lý CTRSH…

Đề án cũng đã đặt ra mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn. Theo đó, giai đoạn đến năm 2025, mục tiêu của tỉnh là 98% tổng lượng CTRSH ở đô thị được thu gom và xử lý đáp ứng yêu cầu. Đến hết năm 2025, sẽ giảm tỷ lệ rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp xuống dưới 30%;  đầu tư mới cơ sở xử lý CTRSH bảo đảm tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 20%. Có 90 - 95% bãi chôn lấp CTRSH tại các đô thị đã đóng cửa được cải tạo, xử lý, tái sử dụng đất. Tỷ lệ CTRSH được phân loại tại nguồn đạt trên 30%.

Đồng thời, có 80% tổng lượng CTRSH phát sinh tại các điểm dân cư nông thôn được thu gom, vận chuyển tới những cơ sở tái chế và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Ít nhất 50% hộ nông thôn triển khai các giải pháp phân loại chất thải tại nguồn. Tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại CTR tại nguồn trên địa bàn xã nông thôn mới đạt trên 30%; 100% CTR nguy hại từ các hoạt động sản xuất, cơ sở y tế và 85% CTR nguy hại phát sinh từ các hộ gia đình được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu.

Đặc biệt, Đề án cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025, 90% CTR xây dựng phát sinh tại các đô thị được thu gom, xử lý đáp ứng yêu cầu, trong đó 60% được tái sử dụng hoặc tái chế thành các sản phẩm, vật liệu tái chế bằng các công nghệ phù hợp. Đến năm 2030, tỷ lệ CTR xây dựng phát sinh tại các đô thị được thu gom, xử lý đáp ứng yêu cầu là 100%, trong đó, 90% được tái sử dụng hoặc tái chế thành các sản phẩm, vật liệu tái chế bằng các công nghệ phù hợp.

Huy động sự tham gia của người dân

Ngay khi “Đề án Quản lý chất thải rắn và phân loại CTRSH tại nguồn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến 2030” được tuyên truyền, nhiều địa phương đã chủ động vào cuộc.

Theo ông Nguyễn Văn Nhàn, Phó Phòng TN-MT huyện Đất Đỏ, hiện nay, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã chủ động triển khai thực hiện việc phân loại CTRSH tại nguồn như: tuyên truyền, vận động việc phân loại CTRSH và tổ chức triển khai hoạt động phân loại CTRSH tại nguồn theo quy định. Đồng thời tuyên truyền vận động người dân giảm thải rác tại nguồn, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng chất thải nhựa dùng một lần. Thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ngay tại công sở, bố trí thùng rác để phân loại rác thải tại các cơ quan, đơn vị. Hiện nay, CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện được phân loại theo 3 nhóm: chất thải hữu cơ dễ phân hủy; chất thải vô cơ có khả tái chế, tái sử dụng và chất thải vô cơ còn lại.

Ông Phạm Quý Nhân, Phó Phòng TN-MT huyện Châu Đức cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện phát sinh khoảng 91 tấn CTRSH mỗi ngày. Trong đó công ty môi trường thu gom 78 tấn/ngày, đạt tỷ lệ 85,71%. Số lượng rác còn lại (ước khoảng 13 tấn/ngày) thường nằm xa các tuyến đường thu gom, nhà ờ riêng lẻ được nguời dân tự xử lý bằng cách phân loại, một phần tái sử dụng hoặc bán phế liệu, làm phân bón; phần còn lại được chôn lấp, đốt trong khuôn viên thửa đất. Tính đến nay, tỷ lệ CTRSH được phân loại tại nguồn trên địa bàn huyện đạt 25%. “Để việc triển khai thực hiện Đề án Quản lý chất thải rắn và phân loại CTRSH tại nguồn đạt hiệu quả, huyện Châu Đức kiến nghị Sở TN-MT tham mưu UBND tỉnh sớm xây dựng quy định chi tiết về quản lý CTRSH của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn để các địa phương thực hiện”.

Nguồn: baobariavungtau.com.vn

Số lượt đọc: 2997

Về trang trước Về đầu trang