Tin KHCN nước ngoài
Công nghệ AI hỗ trợ đắc lực cho quá trình tái chế quần áo (03/11/2023)
-   +   A-   A+   In  
Sử dụng công nghệ AI trong việc hỗ trợ tái chế quần áo, giày dép được một nhóm nghiên cứu tại Pháp phát triển đem lại những hiệu quả tích cực.

 

Trong bối cảnh các quy định mới nghiêm ngặt sắp áp dụng tại châu Âu sẽ buộc các công ty may mặc phải sử dụng một lượng sợi tái chế nhất định trong các mặt hàng của mình. CETIA - một công ty ở Tây Nam nước Pháp đã đưa ra một số giải pháp cơ học cho những thách thức trong việc tái chế quần áo. Nhóm nghiên cứu của CETIA đã phát minh ra chiếc máy sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và cảm biến hồng ngoại gần để phát hiện vật liệu của quần áo khá chính xác - cho dù đó là 80% cotton, 20% polyester hay 50/50. Khi hoạt động, máy sẽ quét rõ từng chi tiết trên quần áo, xác định các thành phần cứng như khóa kéo và khuy cài rồi sử dụng tia laser để cắt chúng ra. Họ cũng đã chế tạo một chiếc máy có thể dùng một cánh tay cơ khí lớn để gắp, giữ giày và giật đế giày.

Tuy công nghệ trên nghe có vẻ tương đối thô sơ và đơn giản, nhưng đó là việc chưa từng được thực hiện trước đây. Bà Chloe Salmon Legagneur - Giám đốc CETIA cho biết: “Đó giống như câu hỏi về con gà và quả trứng. Trước đó không ai tái chế đế giày vì không thể tách chúng ra khỏi giày và cũng không ai tách đế giày ra làm gì khi không tái chế được". Theo cách làm trước đây, những người thực hiện công việc tái chế thường phải nướng giày trong nhiều giờ để làm chảy keo rồi dùng tay kéo đế ra.

CETIA cho biết máy laser AI của họ có thể thực hiện việc này với tốc độ nhanh hơn nhiều và ngày một phát triển nhanh chóng khi hoàn thiện công nghệ. Công ty này cũng có những chiếc máy có thể phân loại quần áo theo màu sắc và thành phần với tốc độ 1 chiếc/giây.

Phát minh của CETIA nhận được sự hỗ trợ từ các nhà bán lẻ lớn như Decathlon và Zalando - những doanh nghiệp đang khẩn trương tìm kiếm các giải pháp quy mô công nghiệp.

Chính phủ Pháp cũng ủng hộ CETIA, đồng thời nhìn thấy tiềm năng tạo việc làm mới trong lĩnh vực sản xuất, nếu công nghệ tái chế cho phép xử lý được khoảng 200.000 tấn chất thải dệt may đang được vận chuyển ra nước ngoài mỗi năm. Cơ quan điều phối quản lý chất thải Refashion đã hỗ trợ CETIA 900.000 euro (tương đương 950.200 USD) và chính quyền khu vực đóng góp tương tự.

Theo báo cáo năm 2019 của Liên hợp quốc, số lượng quần áo ản xuất trên toàn cầu đã tăng gấp đôi từ năm 2000 tới 2014. Ngành sản xuất quần áo góp phần gây ra 20% lượng nước thải toàn cầu. Ví dụ, để sản xuất một chiếc quần jeans, người ta cần tới 7.500 lít nước.

Báo cáo trên cũng cho biết ngành sản xuất quần áo và giày dép xả ra 8% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Cứ mỗi giây trôi qua lại có lượng quần áo tương đương một xe tải chở rác bị đốt hoặc chôn.

 

 Châu Phi trở thành nơi "tập kết" quần áo cũ của H&M sau những chiến dịch thu gom và tái chế. Nguồn Daily Mail

Dù rác thải quần áo bị vứt lộ thiên hay chôn dưới đất, chúng đều gây ô nhiễm môi trường, thải ra chất ô nhiễm vào không khí hoặc mạch nước ngầm.

Bên cạnh đó, 8 - 10% lượng khí thải carbon trên thế giới là từ ngành công nghiệp thời trang. Năm 2018, ngành công nghiệp này được phát hiện là tiêu thụ nhiều năng lượng hơn so với ngành hàng không và vận chuyển cộng lại.

Ước tính cứ mỗi giây lại có một xe rác chứa quần áo được đốt và đưa đến bãi rác. Cho dù làm bằng vải tổng hợp hay được xử lý bằng hóa chất, quần áo cần tới 200 năm mới có thể phân hủy sinh học, chúng cũng độc hại không kém nhựa và lốp xe bỏ đi.

Hiện tại, chỉ có 1% hàng dệt may ở châu Âu được tái chế thành quần áo mới. Số còn lại hầu hết được sử dụng làm vật liệu cách nhiệt, đệm hoặc nhựa đường. Nguyên nhân là do quần áo thường là một hỗn hợp vật liệu phức tạp phải được phân tách cẩn thận để giữ các sợi vải ở tình trạng tốt nếu có hy vọng tái chế chúng thành quần áo mới.

Nguồn: vietQ.vn

Số lượt đọc: 3869

Về trang trước Về đầu trang