Chuyển đổi số
Kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (01/11/2023)
-   +   A-   A+   In  
   

Ủy ban nhân dân tỉnh vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Mục đích Kế hoạch nhằm cụ thể hóa các nội dung nhiệm vụ, giải pháp và triển khai có hiệu quả các nền tảng số quốc gia được phê duyệt tại Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh sử dụng các nền tảng số quốc gia là giải pháp để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh; sử dụng các nền tảng số quốc gia sẵn có để tạo hạ tầng mềm, hoạt động đồng bộ, tạo hệ sinh thái chuyển đổi số nhanh và hiệu quả, phát huy được sức mạnh tổng thể, tránh việc triển khai phân tán, rời rạc, sử dụng trùng lặp nhiều giải pháp khác nhau; thúc đẩy các doanh nghiêp, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh đầu tư nghiên cứu, làm chủ công nghệ, phát triển các nền tảng số đạt yêu cầu, tiêu chí của nền tảng số quốc gia nhằm cung cấp, phục vụ quá trình chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh; phát triển xã hội số đi đôi với tạo dựng các giá trị văn hóa phù hợp với thời đại số, phát huy sự sáng tạo của người dân trong xã hội số, bảo vệ người dân trước các mối nguy cơ, đe dọa trong xã hội số.

Về phát triển kinh tế số: mục tiêu cơ bản đến năm 2025 là, tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%; tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 2%; tỷ lệ sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) có mặt trên các sàn thương mại điện tử đạt trên 80%; tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt tối thiểu 40%; tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của tỉnh đạt tối thiểu 70%.

Mục tiêu cơ bản đến năm 2030: tỷ trọng kinh tế số đạt 35-37% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 20%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng nền tảng hợp đồng điện tử đạt 100%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 70%; tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 3%; tỷ lệ sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) có mặt trên các sàn thương mại điện tử đạt 100%; tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt tối thiểu 70%; tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của tỉnh đạt tối thiểu 90%.

Về phát triển xã hội số: mục tiêu cơ bản đến năm 2025 là: tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh đạt 100%; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt tối thiểu 95%; tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt trên 50%; tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 70%; tỷ lệ hộ gia đình được phủ mạng Internet băng rộng cáp quang đạt 100%; tỷ lệ người dân kết nối mạng được bảo vệ ở mức cơ bản đạt trên 70%; tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản dịch vụ công trực tuyến đạt tối thiểu 80%; tỷ lệ dân số trưởng thành sử dụng nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa đạt tối thiểu 50%; tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt trên 95%; tỷ lệ các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp hoàn thiện được mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở đạt trên 80%; tỷ lệ các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến trung học phổ thông hoàn thiện được mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở đạt trên 70%; tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản định danh điện tử đạt tối thiểu 80%.

Mục tiêu cơ bản đến năm 2030: tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh đạt 100%; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 100%; tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt trên 70%; tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 85%; tỷ lệ hộ gia đình có nhu cầu đều được kết nối Internet băng rộng bằng cáp quang hoặc mạng di động 5G đạt 100%; tỷ lệ người dân kết nối mạng được bảo vệ ở mức cơ bản đạt trên 80%; tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản dịch vụ công trực tuyến đạt trên 90%; tỷ lệ dân số trưởng thành sử dụng nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa đạt tối thiểu 60%; tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 100%; tỷ lệ các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp hoàn thiện được mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở đạt 100%; tỷ lệ các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến trung học phổ thông hoàn thiện được mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở đạt tối thiểu 95%; tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản định danh điện tử đạt tối thiểu 95%.

Để hoàn mục tiêu trên, UBND tỉnh đề ra các nhóm giải pháp trọng tâm đó là, tổ chức, bộ máy; hợp tác; nghiên cứu, phát triển; tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức; đo lường, giám sát triển khai.

Sở Thông tin và Truyền thông được giao chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này; hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện Kế hoạch đảm bảo hiệu quả, đúng tiến độ đề ra.

Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Ban Quản lý các Khu công nghiệp; UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào nội dung Kế hoạch này để triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị. Ưu tiên bố trí kinh phí để triển khai các hoạt động chuyển đổi số. Báo cáo hàng năm và đột xuất tình hình thực hiện Kế hoạch về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

(Nguồn: Kế hoạch 228/KH-UBND)

Nguồn: sotttt.baria-vungtau.gov.vn

Số lượt đọc: 657

Về trang trước Về đầu trang