Tin KHCN trong nước
Xây dựng đội ngũ nhân lực ngành công nghệ sinh học (01/11/2023)
-   +   A-   A+   In  
Ngành công nghệ sinh học đến nay đã phát triển gần 30 năm, đạt được nhiều thành tựu, trong đó đã đào tạo được đội ngũ nhân lực về công nghệ sinh học từ bậc đại học đến tiến sĩ. Thế nhưng, nguồn nhân lực công nghệ sinh học vẫn còn thiếu hụt về số lượng và một số lĩnh vực còn yếu về chất lượng. Trước yêu cầu phát triển mới, đòi hỏi công tác đào tạo phải bắt kịp xu thế thị trường, có chính sách thu hút nhân lực giỏi, và các giải pháp đồng bộ khác.

Sinh viên khoa Khoa học sự sống (Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội) trong giờ thực hành khoa học và công nghệ y khoa. (Ảnh BÍCH NGỌC)
Sinh viên khoa Khoa học sự sống (Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội) trong giờ thực hành khoa học và công nghệ y khoa. (Ảnh BÍCH NGỌC)

Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới nêu rõ phát triển công nghệ sinh học là xu thế của thế giới, là động lực quan trọng để thực hiện quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế của Việt Nam, đồng thời đề cập nhiệm vụ xây dựng nguồn nhân lực công nghệ sinh học đáp ứng yêu cầu mới.

Cơ hội mới cho ngành công nghệ sinh học

Thời gian qua, đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước được ban hành để thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học. Mới đây, tháng 01/2023, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 36-NQ/TW về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Đến nay, những đóng góp đáng kể của công nghệ sinh học vào sự phát triển của kinh tế-xã hội đất nước có thể kể đến như: Chủ động sản xuất hơn 70% giống cây trồng, vật nuôi; công nghệ sinh học cùng các ngành khác góp phần xây dựng các phần mềm, cảm biến sinh học, số hóa dữ liệu sinh học, phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; sản xuất được nhiều loại vắc-xin cho người; nhờ thành tựu của công nghệ sinh học đặc biệt là công nghệ gien đã chẩn đoán được nhiều dịch bệnh nguy hiểm như SARS, cúm A/H5N1, H7N9…

Giáo sư, Tiến sĩ Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học cho rằng, so với các nước trong khu vực ASEAN, ngành công nghệ sinh học của Việt Nam đang đứng khoảng vị trí thứ 4, sau các nước Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia. Mặc dù năng lực công nghệ sinh học chưa cao, nhưng Việt Nam cũng có những lợi thế nhất định và một số lĩnh vực cần tập trung phát triển trong thời gian tới để phục vụ sự phát triển của đất nước. Đó là ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp như: chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi, các loại thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phát triển vắc-xin, các chế phẩm sinh học sử dụng trong nông nghiệp, thức ăn cho chăn nuôi thủy sản, phân bón sinh học…

Công nghiệp bảo quản, chế biến nông sản, thực phẩm cũng cần áp dụng công nghệ sinh học nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, tạo sức cạnh tranh với thị trường trong nước và thế giới. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Kỳ Sơn, Hiệu trưởng Trường Hóa và Khoa học sự sống (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cũng nhận định, nếu ứng dụng mạnh mẽ công nghệ sinh học trong bảo quản, chế biến sản phẩm nông sản phục vụ thị trường 100 triệu dân trong nước và xuất khẩu thì mức độ tăng trưởng sẽ lớn hơn rất nhiều, chứ không phải chỉ dừng ở 53 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu nông sản như năm 2022.

Một lĩnh vực khác cần tập trung ứng dụng công nghệ sinh học là y tế, chăm sóc sức khỏe như các loại thuốc sinh học, vắc-xin, thuốc từ dược liệu. Cùng với đó là áp dụng công nghệ sinh học trong các liệu pháp điều trị bệnh như: liệu pháp tế bào gốc, liệu pháp gien, y học tái tạo, y học cá thể… Các chuyên gia dự báo, tới đây sẽ là giai đoạn bùng nổ của dược phẩm sinh học, bởi tổng hợp thuốc hóa dược rất khó khăn và nhu cầu thiết yếu của con người ngày càng tăng. Trên thế giới, nhiều tập đoàn công nghệ, điện tử đã đầu tư vào công nghệ sinh học.

Nhiều chuyên gia cho rằng, sắp tới, lĩnh vực này sẽ có những khởi sắc khi gần đây đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đầu tư vào Việt Nam. Các nhà đầu tư Ấn Độ đã đầu tư dự án công viên dược tại Hải Dương, các nhà đầu tư của Singapore dự định đầu tư khu công nghiệp dược sinh học tại Thái Bình. Vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã chấp thuận cho Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế (Polyvac) là một trong 15 đơn vị sản xuất vắc-xin trên thế giới được tham gia chương trình chuyển giao công nghệ mRNA, và hiện đang trong giai đoạn tiếp nhận chuyển giao. Ông Nguyễn Đăng Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế cho biết: Đây là chương trình lớn của Tổ chức Y tế Thế giới, với mục tiêu bảo đảm an ninh vắc-xin cho các nước đang phát triển và cung cấp cho các nước khác. Dựa trên công nghệ lõi này, trung tâm sẽ nghiên cứu, phát triển các vắc-xin có nhu cầu trong nước. Việc tiếp cận công nghệ mới nhất trong sản xuất vắc-xin sẽ giúp đào tạo chuyên sâu cho nhân lực nghiên cứu, phát triển sản phẩm.

Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt, nguyên Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) nhận định, sẽ có những cơ hội mới trong nghiên cứu, hợp tác sản xuất với quốc gia phát triển, đi đầu trong việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm ứng dụng công nghệ sinh học, nhất là với các công ty của Mỹ về công nghệ sinh học sau khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Triển vọng phát triển đang bắt đầu manh nha, đây là cơ hội để thay đổi và thế hệ trẻ đủ tiềm năng để tiếp cận. Đồng thời, Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt cũng dự báo, sẽ có sự dịch chuyển nhân sự từ đội ngũ nghiên cứu và sản xuất sang các doanh nghiệp.

 

Xây dựng đội ngũ nhân lực ngành công nghệ sinh học ảnh 1

Sinh viên khoa Khoa học sự sống (Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội) trong giờ thực hành ngành Công nghệ sinh học phát triển thuốc.

Đào tạo nhân lực “phẳng” cho thị trường

Một trong những mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết 36-NQ/TW là đến năm 2030, Việt Nam có nền công nghệ sinh học đạt trình độ tiên tiến trên thế giới, là 1 trong 10 quốc gia hàng đầu châu Á về sản xuất và dịch vụ thông minh công nghệ sinh học. Nghị quyết 36-NQ/TW đề cập nhiệm vụ xây dựng nguồn nhân lực công nghệ sinh học để đạt các mục tiêu nêu trên. Nhiều ý kiến cho rằng, nhân lực công nghệ sinh học dù đang thiếu, nhưng nếu tập trung đào tạo một thời gian sẽ có đủ để tiến xa, tận dụng được lợi thế của nước đi sau trong việc rút được kinh nghiệm và học hỏi những thành công của các nước đi trước.

Hiện, có hơn 50 trường đại học trong cả nước đào tạo về công nghệ sinh học, với khoảng 5.500 sinh viên mỗi năm trong lĩnh vực này. Trong bối cảnh các ngành sản xuất bắt đầu phát triển, nhu cầu nhân lực tăng thì số lượng nêu trên là ít. Dẫn chứng tình trạng thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt nêu trường hợp Công ty cổ phần Công nghệ Sinh học VinBioCare nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin mRNA trong đại dịch Covid-19 vừa qua. Mặc dù chỉ thực hiện bước cuối của quá trình sản xuất vắc-xin, nhưng công ty này không thể có ngay được đội ngũ nhân lực, phải mất một thời gian để chuẩn bị và khi ra được sản phẩm thì nhu cầu vắc-xin của Việt Nam đã giảm. “Khó khăn của chúng ta khi tiếp cận công nghệ mới là nhân lực đã ít, lại không tinh, trong khi đòi hỏi các khâu phải vận hành theo các tiêu chuẩn quốc tế. Do đó, để có nhân lực đáp ứng yêu cầu thị trường các năm tới, cần đào tạo ngay đội ngũ trẻ tại các trường đại học, đồng thời thu hút những người học ở nước ngoài về và tăng cường đào tạo tại các doanh nghiệp”- Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt nói.

Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, hiện nay, một số trường đại học đã tiếp cận đúng nhu cầu của thị trường, có thể cung cấp nhân lực chất lượng cao cho thị trường trong và ngoài nước. Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong những cơ sở đào tạo đầu tiên về công nghệ sinh học mới đây đã thành lập Trường Hóa và Khoa học sự sống (trên cơ sở sáp nhập bốn viện đào tạo và nghiên cứu thuộc lĩnh vực hóa học, sinh học, thực phẩm và môi trường) nhằm tái cấu trúc, quy hoạch và sử dụng tối ưu nguồn lực về con người và cơ sở vật chất, người học có nhiều cơ hội được thực hành, thực tập và trải nghiệm, được đào tạo công nghệ lõi, chuyên sâu cũng như ứng dụng và triển khai trong thực tế, qua đó sẽ mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên và đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Kỳ Sơn, Hiệu trưởng Trường Hóa và Khoa học sự sống cho biết, trước yêu cầu của thế giới “phẳng” thì nhà trường đào tạo nhân lực “phẳng”, tức là sinh viên ra trường có trình độ cao, kỹ năng tiếp cận và đáp ứng nhanh với doanh nghiệp, đặc biệt là tự tin làm việc ở các nước có nền kinh tế phát triển. Bên cạnh chương trình đào tạo truyền thống đã có uy tín giảng dạy bằng tiếng Việt, trường còn có chương trình tiên tiến (ELITECH) giảng dạy bằng tiếng Anh đối với kỹ thuật sinh học và kỹ thuật thực phẩm nhằm đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao hàng đầu của Việt Nam, phục vụ phát triển ngành hóa và khoa học sự sống, cũng như đáp ứng nhu cầu nhân lực trong quá trình hội nhập và quốc tế hóa trong nước và quốc tế.

Sinh viên được tham gia nghiên cứu khoa học từ sớm, tham gia các đề tài với thầy cô, doanh nghiệp, được các giáo sư, chuyên gia của các đại học, viện nghiên cứu nước ngoài có uy tín giảng dạy, hướng dẫn, được giao lưu với sinh viên quốc tế và tham quan, thực tập và trải nghiệm tại các đại học, viện nghiên cứu quốc tế. Chương trình đã triển khai từ năm 2019 đối với kỹ thuật thực phẩm và từ năm 2023 đối với kỹ thuật sinh học và số lượng sinh viên tăng hằng năm. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Kỳ Sơn, nguồn nhân lực này có năng lực chuyên môn, kỹ năng mềm và ngoại ngữ tốt, sẵn sàng đáp ứng cho những mục tiêu phát triển công nghệ sinh học của đất nước trong thời gian tới.

Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghệ sinh học từ những năm 2010. Đến nay, trường đào tạo đủ ba trình độ gồm cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ với định hướng nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực y sinh, phát triển thuốc và thực vật. Tiến sĩ Nguyễn Quang Huy, Phó Trưởng khoa Khoa học sự sống cho biết, chương trình đào tạo của nhà trường theo chuẩn của châu Âu, được điều chỉnh dựa trên nhu cầu của xã hội. Khoa học-công nghệ phát triển, thay đổi nhanh chóng, cho nên chương trình đào tạo công nghệ sinh học được cập nhật liên tục trên cơ sở góp ý của các thành viên hội đồng hoàn thiện chương trình, trong đó có đại diện ngoài trường gồm các doanh nghiệp, các nhà khoa học và cựu sinh viên. Hiện nay, mỗi khóa của ngành công nghệ sinh học có khoảng 90 sinh viên, tăng gấp đôi so với những năm trước.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Quang Huy, lợi thế của trường là đào tạo bằng tiếng Anh, vì thế khi thế giới có công nghệ mới, sinh viên tiếp cận được ngay, chính xác và rất hiệu quả cho việc học tập, nghiên cứu. Do được cọ xát trong môi trường quốc tế với các giảng viên, nhà khoa học đã được đào tạo ở nước ngoài, các giáo sư nước ngoài cho nên sinh viên rất tự tin trong giao tiếp và có kỹ năng tốt để học tập, làm việc ở nước ngoài. Mục tiêu đào tạo của nhà trường không chỉ cung cấp cho thị trường lao động trong nước mà còn hướng đến thị trường nước ngoài, khi đạt trình độ chuyên môn cao có thể thành chuyên gia về lĩnh vực này ở các nước trong khu vực.

Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh phát triển nhân lực, rất cần có các giải pháp đồng bộ để thúc đẩy phát triển công nghệ sinh học, thí dụ phát triển các doanh nghiệp công nghệ sinh học tầm cỡ để có môi trường làm việc cho nhân lực nghiên cứu, phát triển sản phẩm; xây dựng hành lang pháp lý cho các công nghệ mới để ứng dụng đưa vào sản xuất; thu hút các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài về làm việc; xây dựng hành lang pháp lý thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực công nghệ sinh học…

 

Nguồn: nhandan.vn

Số lượt đọc: 4028

Về trang trước Về đầu trang