Hợp tác quốc tế
Khoa học và công nghệ là ưu tiên hợp tác song phương giữa Việt Nam và Israel (04/09/2023)
-   +   A-   A+   In  

Bộ trưởng Kinh tế và Công nghiệp Israel Nir Barkat cho rằng khoa học và công nghệ (KH&CN) là ưu tiên trọng tâm trong hợp tác song phương và là một trong các trụ cột trong hợp tác giữa hai nước. Thành công của những doanh nghiệp khởi nghiệp đầu tiên đến đầu tư tại Việt Nam sẽ tạo động lực, kéo theo những doanh nghiệp khác đến Việt Nam.

Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, Bộ trưởng Nir Barkat đã tham dự một số cuộc họp quan trọng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có Diễn đàn Kinh tế và giao thương doanh nghiệp Việt Nam - Israel; Kỳ họp lần thứ 3 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Israel về hợp tác kinh tế, KH&CN và các lĩnh vực khác. Những hoạt động này được coi là điểm nhấn nổi bật trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Bên lề Kỳ họp lần thứ 3 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Israel về hợp tác kinh tế, KH&CN và các lĩnh vực khác, Bộ trưởng Nir Barkat đã trao đổi với báo chí về thành tựu, triển vọng hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực.

Bộ trưởng Nir Barkat đánh giá, trong 3 thập kỷ qua, mối quan hệ giữa Việt Nam - Israel phát triển tốt đẹp. Trong đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA), được ký tại Tel Aviv ngày 25/7/2023 là một minh chứng, Việt Nam bắt đầu trở thành một đối tác quan trọng trên bản đồ đầu tư của Israel. 

Đặc biệt, sắp tới sẽ có đường bay thẳng giữa Việt Nam và Israel, đây là bước đột phá lớn, một điểm nhấn quan trọng giúp thúc đẩy lĩnh vực du lịch, kinh tế, thương mại, đầu tư, KH&CN...

Để đẩy mạnh hợp tác và có hiệu quả về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa hai nước trong thời gian tới, Bộ trưởng Nir Barkat cho biết, Israel là quốc gia có nền kinh tế phát triển với tiềm năng KH&CN tiên tiến. Hiện nay, Israel có tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt trên 140,65 triệu USD. Việt Nam có 4 dự án tại Israel, tổng vốn đăng ký đạt 82,7 triệu USD. 

“Đây là con số khiêm tốn so với tiềm năng hợp tác còn rất lớn của hai bên. Về KH&CN, hai bên sẽ phối hợp triển khai có hiệu quả những thỏa thuận đã ký, thúc đẩy hợp tác khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, coi KH&CN là ưu tiên trọng tâm trong hợp tác song phương và là một trong các trụ cột trong hợp tác giữa hai nước, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan đến các xu thế kinh tế mới nổi và tương thích với chiến lược phát triển của Việt Nam bao gồm phát triển bền vững, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và các lĩnh vực khác”, Bộ trưởng Nir Barkat cho hay.

Theo Bộ trưởng Nir Barkat, để đẩy mạnh hợp tác hơn nữa giữa hai nước trong lĩnh vực hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ, hai bên nên tập trung vào việc tìm hiểu nhu cầu cụ thể của khu vực tư nhân ở mỗi quốc gia. Điều này sẽ giúp khu vực tư nhân của Israel có thể mở rộng quy mô không chỉ ở Việt Nam mà còn ở khu vực ASEAN. Việt Nam có thể đề xuất với nhiều công ty khởi nghiệp của Israel để những công ty này trở thành cửa ngõ kết nối thị trường của không chỉ gần 100 triệu người mà là khoảng 700 triệu người ở khu vực ASEAN.

Các công ty khởi nghiệp của Israel sẽ tìm hiểu những thị trường có lợi cho doanh nghiệp, từ đó, tạo được mối giao lưu hữu nghị nhân dân. Nhờ vậy, được Chính phủ Israel ủng hộ, tạo được cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp. Mục tiêu của Israel hiện nay là tạo ra hệ sinh thái này.

Một ví dụ điển hình, Israel đang đề xuất thành lập một quỹ hợp tác giúp hỗ trợ và kết nối về nguồn vốn với các công ty theo hướng quyền sở hữu chung, có chuyển giao công nghệ và thúc đẩy phát triển vì lợi ích của khối ASEAN. Đây là đề xuất hợp lý cho các công ty khởi nghiệp của Israel. Chúng tôi cam kết làm việc cùng nhau nhằm đảm bảo những công ty của Israel đầu tiên tham gia thị trường Việt Nam cũng như ASEAN đều đạt thành công; bởi sẽ có 10.000 công ty khởi nghiệp của Israel đặt câu hỏi về việc đến Việt Nam mở doanh nghiệp. Khi câu trả lời là có, nhiều doanh nghiệp khác sẽ làm theo.

Kỳ họp lần thứ 3 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Israel về hợp tác kinh tế, KH&CN và các lĩnh vực khác.

Trong bối cảnh Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Israel có dự án cụ thể nào hỗ trợ Việt Nam, đặc biệt là các dự án chịu hạn, tiết kiệm nước, Bộ trưởng Nir Barkat cho biết, trên thực tế, một trong những công ty đang có hoạt động rất tích cực tại Việt Nam đối với những lĩnh vực này là Netafim (Israel). Netafim là công ty được thành lập trên vùng sa mạc phía Nam Israel, vùng đất phù hợp với điều kiện của biến đổi khí hậu; hoạt động trong các lĩnh vực: Quản lý nước, tạo ra nước, tiết kiệm nước, tạo nguồn thực phẩm trong sa mạc, nguồn năng lượng.

Biến đổi khí hậu làm cho những khu vực không phải là sa mạc sẽ trở thành sa mạc trong tương lai. Do vậy, Israel phát triển công nghệ sa mạc (Desert Tech) với những hoạt động tập trung vào lĩnh vực quản lý nước, quản lý năng lượng, quản lý nông nghiệp, trồng lương thực trên sa mạc... Với việc tham gia nhiều lĩnh vực, các công ty khởi nghiệp của Israel đang mong muốn tìm kiếm sự hợp tác tại Việt Nam.

Israel được biết đến là đất nước có nguồn tài nguyên thiên nhiên hạn chế, đặc biệt là khô hạn nhưng trở thành nền kinh tế phát triển với nền KH&CN cao trên thế giới. Được mệnh danh là quốc gia khởi nghiệp, Israel có khoảng 10.000 doanh nghiệp khởi nghiệp trong tổng số dân khoảng 10 triệu người. Israel hiện là thị trường xuất khẩu đứng thứ 3, là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam, được đánh giá là thị trường tiềm năng đối với hàng hóa Việt Nam tại khu vực Tây Á.

Trong 7 tháng đầu năm 2023, kim ngạch song phương đạt 1,6 tỷ USD, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó Việt Nam xuất khẩu 404 triệu USD và nhập khẩu 1,2 tỷ USD. Về đầu tư, tính đến tháng 5/2023, Israel có 40 dự án đầu tư trực tiếp, với tổng số vốn 140,6 triệu USD tại Việt Nam.

 

Nguồn: truyenthongkhoahoc.vn

Số lượt đọc: 1958

Về trang trước Về đầu trang