Hợp tác quốc tế
Động lực cho hợp tác KHCN và đổi mới sáng tạo giữa Việt Nam-Hoa Kỳ (20/09/2023)
-   +   A-   A+   In  

Để tăng cường hơn nữa và tạo động lực cho hợp tác khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo giữa Việt Nam-Hoa Kỳ, các bộ, ngành và cơ quan của cả Việt Nam và Hoa Kỳ đang tích cực trao đổi để cụ thể hóa các kế hoạch hành động, trong đó có chương trình phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Chương trình Hợp tác nghiên cứu KHCN Việt Nam-Hoa Kỳ (Vustar).

Việt Nam dành được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ trong lĩnh vực công nghệ - Ảnh minh họa

Xây dựng khung pháp lý cho hợp tác KHCN

Hợp tác KHCN giữa Việt Nam và Hoa Kỳ diễn ra vào cuối những năm thập kỷ 70 của thế kỷ trước, trong khuôn khổ hợp tác giữa các tổ chức NGOs của Hoa Kỳ và các viện/trường nghiên cứu của Việt Nam. Sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ (1995), hai bên đã tích cực triển khai hợp tác KHCN và cùng nhau xây dựng những khung pháp lý cho hợp tác KHCN.

Tháng 12/2000, tại Hà Nội, Hiệp định hợp tác KHCN giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được ký kết nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Đây là Hiệp định hợp tác đầu tiên được ký kết sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995 và đặt nền móng cho các hoạt động hợp tác KHCN trên nhiều lĩnh vực.

Đứng trước sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cả Việt Nam và Hoa Kỳ đều nhận thấy tầm quan trọng của KHCN, đổi mới sáng tạo và đã có nhiều hoạt động thúc đẩy hợp tác giữa các viện nghiên cứu, các trường đại học, các doanh nghiệp trong hệ thống đổi mới sáng tạo của hai nước. Chính phủ và nhân dân hai nước có sự ủng hộ cao đối với việc phát triển hợp tác song phương trong lĩnh vực KHCN, đổi mới sáng tạo.

Hiện nay, số lượng du học sinh của Việt Nam tại Hoa Kỳ đứng thứ 5 trong số các quốc gia có sinh viên tại các trường đại học của Hoa Kỳ. Đội ngũ nhân lực được đào tạo bài bản này sẽ là động lực quan trọng trong sự phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo trong thời gian tới của Việt Nam.

Hoa Kỳ cũng tích cực hỗ trợ các trường đại học của Việt Nam trong việc phát triển hệ thống giáo dục đại học với các dự án hỗ trợ trang thiết bị nghiên cứu cho Không gian sáng chế tại Đại học Cần Thơ do USAID tài trợ; đổi mới chương trình đào tạo đại học 6 năm dành cho bác sĩ y khoa tại 5 trường đại học y dược; đổi mới chương trình đào tạo dựa trên lý thuyết sang chương trình toàn diện do Liên minh IMPACT MED hỗ trợ; thực hiện dự án Đổi mới giáo dục đại học (PHER) do USAID tài trợ.

Ngoài sự hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, các doanh nghiệp và cơ quan của Hoa Kỳ cũng tích cực hợp tác với các bộ, ngành, cơ quan và doanh nghiệp Việt Nam như các chương trình hợp tác trong khuôn khổ Ủy ban hỗn hợp về hợp tác KHCN Việt Nam-Hoa Kỳ. Các doanh nghiệp của Hoa Kỳ như Intel, Nvidia, Synopsys... triển khai rất nhiều dự án đầu tư hoạt động tại Việt Nam, hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam.

Tiềm năng hợp tác giữa hai bên là vô cùng to lớn

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, tại Việt Nam, KHCN và đổi mới sáng tạo được Đảng, Chính phủ xác định như một đột phá chiến lược, là động lực thúc đẩy tốc độ, chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế. 

Hành lang pháp lý về KHCN ngày càng hoàn thiện, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo. Trong đó có Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua trong năm 2022. 

Các văn bản này mở ra hành lang chính sách và pháp lý ngày càng thuận lợi để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ ở Việt Nam; khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, khai thác, ứng dụng, bảo vệ hiệu quả các tài sản trí tuệ; góp phần lành mạnh hóa môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm việc tuân thủ các cam kết quốc tế theo các Hiệp định thương mại và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Hiện nay, khoảng cách trong lĩnh vực KHCN giữa Việt Nam và các nước trong khu vực được rút ngắn đáng kể, khi xếp hạng năng lực cạnh tranh, năng lực đổi mới sáng tạo toàn cầu, ở một số lĩnh vực khoa học có thế mạnh, Việt Nam có sự tăng trưởng vượt bậc.

Bộ KH&CN xác định hợp tác và hội nhập quốc tế là một trong các giải pháp quan trọng giúp Việt Nam nhanh chóng nâng cao tiềm lực, trình độ KHCN.

Đại diện Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ KH&CN) cho biết, Việt Nam và Hoa Kỳ có sự bổ trợ phù hợp trong nhu cầu về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, trong đó Hoa Kỳ có những công nghệ nguồn, công nghệ tiên tiến và khả năng tài chính vững, còn Việt Nam có năng lực triển khai tốt dựa trên nguồn nhân lực dồi dào và vị trí địa lý trong khu vực. Điều này có thể tạo ra một sự phân công hợp lý, bảo đảm lợi ích và nghĩa vụ của cả hai bên trong quá trình hợp tác.

Tuy nhiên, hệ thống quản lý nói chung, đặc biệt là hệ thống đổi mới sáng tạo của mỗi nước có nhiều điểm khác biệt, do đó cần tìm hiểu kỹ lưỡng để bảo đảm sự thông suốt trong quá trình triển khai. Khoảng cách địa lý xa là một trở ngại không nhỏ, mặc dù hiện nay các công cụ liên lạc trên nền tảng công nghệ mới đã giúp việc trao đổi dễ dàng hơn. Hơn nữa, nền tảng phát triển công nghệ của hai bên có nhiều điểm chưa tương đồng, cần có thời gian để có sự hài hòa trong hợp tác.

Sau khi Hoa Kỳ và Việt Nam nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, hai bên đã thảo luận về nhiều hợp tác có chiều sâu trong lĩnh vực KHCN và đổi mới sáng tạo. Điển hình như trong lĩnh vực hàng không, Boeing và Vietnam Airlines ký kết thỏa thuận trị giá hàng tỷ USD để mua 50 máy bay Boeing 737 MAX. Thỏa thuận này sẽ tạo ra hơn 33.000 việc làm cho lao động tại Mỹ, đồng thời Boeing cũng cam kết sẽ có đóng góp cho phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, khởi đầu với chương trình đào tạo nhân lực ngành hàng không.

Trong lĩnh vực bán dẫn, Công ty Amkor Technology có trụ sở tại Arizona sẽ khởi công nhà máy tại Bắc Ninh vào tháng 10/2023. Tổng đầu tư cho dự án này là 1,6 tỷ USD. Công ty Synopsys có trụ sở tại California sẽ khai trương một trung tâm thiết kế và khởi nghiệp bán dẫn phối hợp với Saigon Hi-Tech Park. Công ty Marvell có trụ sở tại California công bố sẽ thành lập một trung tâm thiết kế bán dẫn hàng đầu thế giới tại TPHCM.

Trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác công nghệ, Microsoft và Truthing Social công bố thỏa thuận phát triển giải pháp dựa trên AI mang tính sáng tạo phù hợp với Việt Nam và các thị trường mới nổi. NVIDIA đang hợp tác với FPT, Viettel và VinGroup để triển khai AI trong các lĩnh vực đám mây, ô tô và chăm sóc sức khỏe. Meta Platforms và Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia công bố Thử thách đổi mới sáng tạo Việt Nam, một chương trình nhằm thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Để tăng cường hơn nữa và tạo động lực cho hợp tác trong lĩnh vực KHCN và đổi mới sáng tạo, các bộ, ngành và cơ quan của cả Việt Nam và Hoa Kỳ đang tích trao đổi để cụ thể các kế hoạch hành động đã được thống nhất, trong đó có nhiều hoạt động về KHCN và đổi mới sáng tạo như chương trình phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, chương trình Hợp tác nghiên cứu khoa học và công nghệ Việt Nam-Hoa Kỳ (Vustar) với sự tham gia của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Bộ KH&CN Việt Nam.

Hy vọng những kết quả tốt đẹp từ chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Việt Nam vừa qua và chuyến công tác tới đây của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hoa Kỳ sẽ mở ra những tiềm năng hợp tác vô cùng to lớn giữa hai bên. Cùng với những chương trình và kế hoạch triển khai đã được hai bên thảo luận và thống nhất, có cơ sở để tin rằng lĩnh vực KHCN và đổi mới sáng tạo của Việt Nam sẽ có nhiều hoạt động sôi nổi trong thời gian tới với Hoa Kỳ, đối tác công nghệ hàng đầu thế giới hiện nay.

 

 

Nguồn: baochinhphu.vn

Số lượt đọc: 1941

Về trang trước Về đầu trang