Tin KHCN trong nước
GII 2023: Việt Nam tăng 2 bậc, xếp thứ 46/132 nền kinh tế (28/09/2023)
-   +   A-   A+   In  
Ngày 27/9/2023 tại Geneva (Thụy Sỹ), Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) công bố Chỉ số Đổi mới Toàn cầu 2023 (GII) lần thứ 16. Theo đó, Việt Nam đứng thứ 46/132 nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022, và được đánh giá là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua.

Khái quát Báo cáo GII 2023

GII 2023 của WIPO đã “nắm bắt nhịp đập” của ĐMST toàn cầu và tiết lộ hiệu suất đổi mới của 132 nền kinh tế cũng như 100 cụm khoa học và công nghệ hàng đầu thế giới. Theo đánh giá của WIPO, năm 2023, môi trường ĐMST đan xen với những cơ hội đáng kể và những thách thức lớn sắp xảy ra. Một mặt, tiến bộ công nghệ mang tính đột phá vẫn phát triển không ngừng. Như đã xác định trong GII năm ngoái, hai làn sóng đổi mới đầy hứa hẹn đang xuất hiện trên khắp các nền kinh tế và xã hội: làn sóng đổi mới kỹ thuật số, được xây dựng dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI), siêu máy tính và tự động hóa, và làn sóng đổi mới khoa học sâu (deep science innovation), dựa trên công nghệ sinh học và công nghệ nano. Nhiều chỉ số chính về tiến bộ công nghệ đang có xu hướng tích cực. Sức mạnh tính toán tiếp tục tăng theo Định luật Moore. Siêu máy tính “xanh” đang trở nên hiệu quả hơn. Năng lượng tái tạo ngày càng có giá cả phải chăng. Và chi phí giải trình tự bộ gen tiếp tục giảm. Được thúc đẩy bởi quy mô của các khả năng trước mắt, chi tiêu R&D của các doanh nghiệp hàng đầu lần đầu tiên đã vượt quá 1 nghìn tỷ USD năm 2022, trong đó các công ty CNTT-TT là động lực chính.

Mặt khác, tăng trưởng yếu và lạm phát cao, cùng với những tác động kéo dài của đại dịch, đang cản trở ĐMST toàn cầu. Sau đợt bùng nổ đáng chú ý vào năm 2021, tài chính cho ĐMST đã giảm đáng kể vào năm 2022, với giá trị của các khoản đầu tư vốn mạo hiểm (VC) giảm 40%. Mặc dù điều quan trọng cần nhấn mạnh là, ở mức 380 tỷ USD, giá trị thương vụ vào năm 2022 cao hơn bất kỳ thời điểm nào trong thập kỷ qua (ngoài đợt bùng nổ năm 2021), nhưng triển vọng tổng thể của VC vẫn chưa chắc chắn. Thách thức chính là biến tiềm năng của các làn sóng đổi mới mới thành lợi ích hữu hình đến với mọi người, ở mọi nơi. Việc áp dụng công nghệ đang gia tăng - nhiều người có quyền truy cập Internet, vệ sinh an toàn và xe điện phát triển hơn bao giờ hết… Tuy nhiên, tốc độ tiếp thu công nghệ vẫn chưa đủ nhanh. Năm thứ hai liên tiếp, GII cho thấy tác động kinh tế - xã hội của đổi mới đã bị “đình trệ”.

Trong môi trường ĐMST vẫn đang phân cực này, việc hỗ trợ các quốc gia ở mọi giai đoạn phát triển để nắm bắt cơ hội và củng cố hệ sinh thái đổi mới tiếp tục là mục tiêu chính của WIPO. Mặc dù điều đáng khích lệ là nhiều nền kinh tế có thu nhập trung bình và mới nổi đang leo lên thứ hạng cao hơn trong GII, với 21 quốc gia có thành tích đổi mới vượt trội so với mức độ phát triển của họ trong năm nay, nhưng vẫn còn quá sớm để xác định liệu đại dịch có tác động lâu dài đến đổi mới hay không, đặc biệt là ở Nam bán cầu.

Trong lời nói đầu của Báo cáo, ông Daren Tang, Tổng Giám đốc WIPO, nhận đinh: “Điều chúng tôi biết chắc chắn là dữ liệu, xu hướng và cách tiếp cận được nêu trong báo cáo năm nay sẽ mang lại ánh sáng mới về hiệu suất đổi mới toàn cầu. Cho dù bạn đến từ khu vực tư nhân hay công cộng, là nhà hoạch định chính sách, nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu, nhà đầu tư, nhà đổi mới hay người sáng tạo, chúng tôi hy vọng rằng thông tin có trong các trang này sẽ giúp bạn đưa ra kết luận sáng suốt và hoạt động như một công cụ mạnh mẽ để hoạch định chính sách ủng hộ đổi mới trên toàn thế giới. Trước tất cả những bất chắc mà thế giới đang phải đối mặt, thì những tiến bộ trong tương lai về AI, năng lượng, y học và giao thông vẫn đang hiển hiện trước mắt chúng ta”. Ông Daren Tang khẳng định, WIPO sẽ tiếp tục hỗ trợ tất cả các Quốc gia Thành viên theo đuổi tăng trưởng dựa trên đổi mới nhằm thúc đẩy tạo việc làm, phát triển và cơ hội để những đột phá và khám phá mới có thể đến với mọi người và mang lại hiệu quả cho tất cả chúng ta.

Cốt lõi của GII cung cấp các thước đo hiệu suất và xếp hạng 132 nền kinh tế trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của họ. Chỉ số được xây dựng trên một bộ dữ liệu phong phú - tập hợp 80 chỉ số từ các nguồn tư nhân và công quốc tế - vượt ra ngoài các thước đo truyền thống về đổi mới sáng tạo kể từ khi định nghĩa về đổi mới được mở rộng. Nó không còn bị giới hạn trong các phòng thí nghiệm R&D và các bài báo khoa học đã xuất bản, mà thay vào đó, có bản chất tổng quát hơn và theo chiều ngang, bao gồm các khía cạnh xã hội, mô hình kinh doanh và kỹ thuật. 80 chỉ số này thể hiện và theo dõi xu hướng đổi mới toàn cầu ở 132 nền kinh tế, hướng dẫn các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp trong việc thúc đẩy ĐMST. Năm nay, những phát hiện của báo cáo được công bố trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi chậm sau đại dịch COVID-19, lãi suất cao và xung đột địa chính trị. Ấn bản năm 2023 xác định triển vọng ngày càng không chắc chắn đối với vốn đầu tư mạo hiểm (VC) - vốn giúp biến đổi sự khéo léo của con người thành các sản phẩm và dịch vụ mới, với giá trị toàn cầu của nguồn vốn đầu tư mạo hiểm đánh dấu sự sụt giảm đáng kể năm 2022.

Báo cáo của WIPO cho rằng, một nhóm các nền kinh tế mới nổi đang liên tục leo lên thứ hạng GII, cho thấy việc tập trung vào hệ sinh thái đổi mới có thể tạo ra sự khác biệt như thế nào. Trên toàn cầu, mặc dù nguồn vốn đầu tư mạo hiểm suy giảm, nhưng GII 2023 sẽ trấn an chúng ta rằng hoạt động đổi mới hiện vẫn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ và hoạt động này sẽ tiếp tục chuyển từ số lượng sang chất lượng. Với GII, các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới tiếp tục có được nguồn dữ liệu và thông tin phong phú và đáng tin cậy để xây dựng các chính sách ủng hộ đổi mới nhằm giải phóng tiềm năng đổi mới của người dân.

GII 2023 được tính bằng giá trị trung bình của hai chỉ số phụ. Chỉ số phụ đầu vào đổi mới sáng tạo đánh giá các yếu tố của nền kinh tế cho phép và tạo điều kiện cho các hoạt động đổi mới sáng tạo và được nhóm thành 5 trụ cột: (1) Thể chế, (2) Vốn con người và nghiên cứu, (3) Cơ sở hạ tầng, (4) Trình độ phát triển của thị trường, và (5) Trình độ phát triển của kinh doanh. Chỉ số phụ Đầu ra đổi mới sáng tạo ghi nhận kết quả thực tế của các hoạt động đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế và được chia thành hai trụ cột: (6) Sản phẩm tri thức và công nghệ và (7) Sản phẩm sáng tạo.

Khái quát xếp hạng GII 2023

Theo GII 2023, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Singapo, Phần Lan, Hà Lan, Đức, Đan Mạch là 10 nền kinh tế đổi mới nhất thế giới. Trung Quốc nằm trong top 10 các nền kinh tế mới nổi khác cũng đang thể hiện thành tích xuất sắc. Ấn Độ và Thổ Nhĩ kỳ đều lần đầu tiên lọt vào top 40.

Trung Quốc đứng thứ 12 và là nền kinh tế có thu nhập trung bình duy nhất nằm trong top 20 GII. Nhật Bản vẫn duy trì ở vị trí thứ 13. Israel (thứ 14) trở lại top 15 GII, tăng 2 bậc. Phần Lan (thứ 6) đang có xu hướng đi lên cùng với Đan Mạch (thứ 9), Thụy Điển (thứ 2) và các nền kinh tế vùng Baltic (Estonia thứ 16, Lithuania thứ 34 và Latvia thứ 37).

Trong 10 năm qua, Indonesia (thứ 61) cùng với Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ (thứ 39), Ấn Độ (thứ 40), Việt Nam (thứ 46), Philipin (thứ 56) và Cộng hòa Hồi giáo Iran (thứ 62) trong nhóm các nước thu nhập trung bình đã leo lên bảng xếp hạng GII nhanh nhất. Trong 4 năm qua và kể từ khi đại dịch bắt đầu, Mauritius (thứ 57), Inđônêxia, Ả Rập Saudi, Brazil và Pakistan đã tăng hạng nhiều nhất (theo thứ tự tăng dần).

Tổng cộng có 21 nền kinh tế có kết quả đổi mới vượt trội như mong đợi so với mức độ phát triển của họ, phần lớn nằm ở châu Phi cận Sahara và Đông Nam Á, Đông Á và châu Đại Dương. Ấn Độ, Cộng hòa Moldova và Việt Nam đều là những quốc gia có thành tích đổi mới vượt trội trong 13 năm liên tiếp. Indonesia, Pakistan và Uzbekistan duy trì vị thế vượt trội trong năm thứ hai và Brazil trong năm thứ ba liên tiếp.

Bảng 1. Top 20 GII 2021-2023

Nguồn: GII 2021 -2023, WIPO

GII 2023 cho thấy 5 cụm khoa học và công nghệ (KH&CN) lớn nhất thế giới hiện nằm ở Đông Á, trong đó Trung Quốc nổi lên là quốc gia có số lượng cụm lớn nhất, trong khi Tokyo-Yokohama dẫn đầu với tư cách là cụm KH&CN lớn nhất.

Các cụm KH&CN hàng đầu thế giới năm 2023, còn được gọi là các trung tâm KH&CN, ở đó có mật độ các nhà phát minh, sáng chế và tác giả khoa học cao nhất. Các cụm đổi mới KH&CN hàng đầu trên thế giới năm 2023 là “Tokyo–Yokohama”, tiếp theo là “Thâm Quyến – Hồng Kông – Quảng Châu”, Seoul, Bắc Kinh và “Thượng Hải -Tô Châu”. Trung Quốc hiện có số lượng cụm KH&CN lớn nhất thế giới, vượt qua Hoa Kỳ.

Về chỉ số ĐMST 2023 của Việt Nam

Theo GII 2023, Việt Nam đứng thứ 46/132 nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022, và được đánh giá là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua.

Thứ hạng của Việt Nam năm nay tăng là do tăng hạng ở cả Đầu vào và Đầu ra của ĐMST. Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào ĐMST: Tăng 2 bậc so với năm 2022, từ vị trí 59 lên 57. Đầu vào ĐMST gồm 5 trụ cột: Thể chế, Nguồn nhân lực và nghiên cứu, Cơ sở hạ tầng, Trình độ phát triển của thị trường; Trình độ phát triển của doanh nghiệp. Đầu ra ĐMST của Việt Nam tăng 1 bậc so với năm 2022, từ vị trí 41 lên 40 (đầu ra ĐMST gồm 2 trụ cột: Sản phẩm tri thức và công nghệ, Sản phẩm sáng tạo).

Việt Nam duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp. Quốc gia thu nhập trung bình thấp xếp trên Việt Nam là Ấn Độ với thứ hạng 40. Ngoài ra, có 5 quốc gia có thu nhập trung bình cao xếp trên Việt Nam là Trung Quốc (hạng 12), Malaysia (hạng 36), Bulgari (hạng 38), Thổ Nhĩ Kỳ (hạng 39) và Thái Lan (hạng 43). Còn lại, tất cả các quốc gia xếp trên Việt Nam đều là các nước có nền công nghiệp phát triển, thuộc nhóm thu nhập cao. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam xếp sau Singapore (hạng 5), Malaysia (hạng 36) và Thái Lan (hạng 43).

Theo WIPO, Việt Nam là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình (gồm Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Việt Nam, Philippines, Indonesia và Cộng hòa Hồi giáo Iran) đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua. Việt Nam cũng là một trong 3 quốc gia (gồm Ấn Độ, Cộng hòa Moldova và Việt Nam) giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp.

Năm 2023, chỉ số GII có một số thay đổi về các chỉ số thành phần, nguồn dữ liệu và cách tính chỉ số thành phần. Trong đó, có chỉ số mới về start-up như "Giá trị của các doanh nghiệp kỳ lân" (Việt Nam được xếp hạng 33).

Chi cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của Việt Nam xếp hạng 66, không có sự cải thiện so với các năm trước. Tuy nhiên, chi R&D của top 3 doanh nghiệp lớn có sự cải thiện đáng kể, xếp hạng 29, tăng 9 bậc so với năm 2022. Giá trị các thương vụ đầu tư mạo hiểm dù còn nhỏ nhưng cũng đã có sự cải thiện lớn so với năm 2022, xếp hạng 60, tăng 17 bậc so với 2022. Các doanh nghiệp liên tục đầu tư để thực hiện quản lý chất lượng theo ISO, theo đó, chỉ số về giá trị ISO 9001/PPP$GDP đã tăng 15 bậc so với năm 2022, từ vị trí 65 lên 50 năm 2023.

Tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ số ở mức thấp. Ví dụ, Nhóm chỉ số bền vững sinh thái dù tăng 3 bậc so với năm 2022 nhưng chỉ ở thứ hạng 110. Các vấn đề về thể chế vẫn cần nhiều nỗ lực cải thiện để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KH&CN, ĐMST. Chỉ số Hiệu quả thực thi pháp luật xếp hạng 72, giảm 2 bậc so với năm 2022...

Từ năm 2017 đến nay, chỉ số GII của Việt Nam liên tục được cải thiện, tăng từ vị trí 59 (năm 2016) lên 42 (năm 2019 và 2020), 44 năm 2021, 48 năm 2022 và 46 năm 2023.

Bảng 3 .  So sánh xếp hạng GII 2014-2023 của các nước ASEAN được xếp hạng

GII 2023 đã đánh giá nhịp độ đổi mới trong bối cảnh môi trường kinh tế và địa chính trị đầy bất ổn. Theo dõi các xu hướng đổi mới toàn cầu gần đây nhất, GII cho thấy rằng, dù bầu không khí bất ổn và sự suy giảm đầu tư vốn mạo hiểm, nhưng vẫn có rất nhiều cơ hội do làn sóng đổi mới của Thời đại Kỹ thuật số và Khoa học sâu đang hình thành. Về cốt lõi, GII 2023 tiết lộ ai đang dẫn đầu trong đổi mới toàn cầu, xếp hạng hiệu quả đổi mới của 132 nền kinh tế và nêu bật điểm mạnh và điểm yếu của họ. Ngoài ra, nó còn xác định 100 cụm KH&CN hàng đầu thế giới. GII đang chứng tỏ là “công cụ hành động” liên quan đến chính sách đổi mới. Các chính phủ trên khắp thế giới đã sử dụng GII để đánh giá hiệu suất đổi mới, các thước đo đổi mới hoàn hảo và cuối cùng là định hình việc hoạch định chính sách đổi mới dựa trên bằng chứng. Trong bối cảnh các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của Liên hợp quốc, kể từ năm 2019, GII đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc công nhận là chuẩn mực để đo lường sự đổi mới, bao gồm cả gần đây hơn là trong môi trường hậu đại dịch.

GII đang giúp các quốc gia thấy được bức tranh tổng thể cũng như các điểm mạnh, điểm yếu về đổi mới của mình. Vì lý do này mà GII hiện được nhiều quốc gia (như Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines, Columbia, Brazil…) sử dụng như một công cụ tham chiếu quan trọng cho quản lý nhà nước về KHCN và đổi mới sáng tạo, cũng như để xây dựng các chính sách KHCN và đổi mới sáng tạo.

Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã sử dụng bộ chỉ số này như một trong các công cụ quản lý điều hành quan trọng và đã phân công các bộ, cơ quan, địa phương cùng có trách nhiệm cải thiện chỉ số. Trong đó, Bộ Khoa học và Công nghệ được giao nhiệm vụ là đầu mối theo dõi, điều phối chung.

Nguồn: NASATI

Số lượt đọc: 5335

Về trang trước Về đầu trang