Chuyển đổi số
BRVT: Năm 2022 nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số được hoàn thành (23/02/2023)
-   +   A-   A+   In  
Thực hiện Quyết định số 2207/QĐ-UBND ngày 06/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh và Quyết định số 97/QĐ-BCĐ ngày 25/5/2022 của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi tỉnh; thời gian qua, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã xây dựng, ban hành nhiều chương trình, kế hoạch triển khai chính quyền số, ứng dụng công nghệ thông tin với nhiều mục tiêu, giải pháp, nhiệm vụ cụ thể được đề ra, giao cho các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện.

Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính đảm bảo cho sự phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số và đô thị thông minh dựa trên 3 trụ cột đó là: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số với tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã xác định vấn đề cơ bản, quan trọng trong chuyển đổi số là sự thay đổi trong tư duy, nhận thức đóng vai trò quyết định; trên hết và trước hết là người đứng đầu các cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương; cán bộ, công chức, viên chức đóng vai trò tiên phong dẫn dắt, sự đồng hành vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân là nhiệm vụ chiến lược quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài góp phần thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực canh tranh, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng tính minh bạch trong hoạt động của các cấp chính quyền, đồng thời phục vụ doanh nghiệp và người dân ngày càng tốt hơn.

Tính đến cuối năm 2022, Tỉnh đã hoàn thành 13/30 chỉ tiêu (Chính quyền số: 03/06, Kinh tế số: 02/06, Xã hội số: 08/18) và 28/53 nhiệm vụ (trong đó nhóm nền móng: 05/07; nhóm Chính quyền số: 06/12; nhóm Kinh tế số: 07/13; nhóm Xã hội số: 07/09).

1. Về chính quyền số: với mục tiêu “Lấy người dân doanh nghiệp làm trung tâm gắn với cải cách hành chính”, đến năm 2022 tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đạt được một số kết quả tích cực sau: Toàn tỉnh đạt tỷ lệ 53,6% hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến (Vượt chỉ tiêu của UBQG về Chuyển đổi số giao cho tỉnh); đã triển khai Hệ thống thông tin báo cáo LRIS đến 20 sở, thực hiện chế độ báo cáo KTXH định kỳ hàng tháng, quý, năm (chiếm 10% chế độ báo cáo); đã hoàn thành 100% tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đối với các hồ sơ phát sinh mới.

Bên cạnh đó, Tỉnh đã hoàn thành việc hợp nhất Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh và đưa vào vận hành kể từ ngày 10/10/2022 với 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình theo tinh thần Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ, Công văn số 4946/BTTTT-CĐSQG ngày 04/10/2022 và đã kết nối, đồng bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh đã được đưa vào vận hành và đã thực hiện số hóa hồ sơ kết quả giải quyết TTHC đối với các hồ sơ phát sinh mới; triển khai các ứng dụng nhằm nâng cao sự tương tác giữa chính quyền và người dân (Smart BRVT) như tra cứu thông báo thuế; tra cứu thông tin quy hoạch sử dụng đất; tra cứu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tra cứu tiến độ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính; hướng dẫn nộp hồ sơ thủ tục hành chính qua Tổng đài dịch vụ công tự động, ứng phản ánh hiện trường, giám sát mạng xã hội; đưa vào sử dụng App “IOC BRVT” cũng như nền tảng IOC tỉnh để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước; tổ chức vận hành thử nghiệm Tổng đài giải đáp tự động dịch vụ công – CallBot với đầu số 0254.1022 và sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI); hoàn thành việc xây  dựng cơ sở dữ liệu quản lý văn bằng giáo dục.

Ngoài ra, trong 2022 tỉnh đã tổ chức công bố các nền tảng số, tập trung thúc đẩy sử dụng trên địa bàn tỉnh cụ thể là: nền tảng trung tâm giám sát điều hành thông minh; nền tảng sàn thương mại điện tử; nền tảng thanh toán trực tuyến,...

2. Về kinh tế số: Thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp số, đẩy nhanh quá trình đưa các sản phẩm tiêu biểu lên sàn thương mại điện tử. Đến nay 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng hóa đơn điện tử; 70,3% hộ nông dân sản xuất nông nghiệp có tài khoản trên sàn thương mại điện tử.

3. Về xã hội số: Hướng đến trang bị các công cụ, ứng dụng cơ bản cho người dân để tiếp cận quá trình chuyển đổi số, đưa hoạt động người dân doanh nghiệp lên môi trường số, từng bước hình thành công dân số. Năm 2022, Tỉnh đã hoàn thành 08 chỉ tiêu quan trọng như: 21,32 % người dân có định danh điện tử; 95,52% hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng thông rộng; 82,52% người dân từ 15 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác, tương đương 825.174 người (Vượt chỉ tiêu do Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số giao tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đạt tỷ lệ 65-70%); 80% tỷ trọng thanh toán các khoản thu không dùng tiền mặt trong cơ sở giáo dục; 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt các khoản thu; 80% học sinh, sinh viên thanh toán các khoản thu không dùng tiền mặt tại đô thị; 91,04% thanh toán hóa đơn điện không dùng tiền mặt; 98% giao dịch nộp thuế, lệ phí,... tại địa phương sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

(Nguồn: Báo cáo số 06/BC-STTTT ngày 01/02/2023)

Nguồn: sotttt.baria-vungtau.gov.vn

Số lượt đọc: 414

Về trang trước Về đầu trang