Tin KHCN trong nước
Ba yếu tố giúp khoa học Việt Nam cất cánh (19/05/2015)
-   +   A-   A+   In  

Sự can dự của các doanh nghiệp vào hoạt động nghiên cứu khoa học, để cho kinh tế thị trường chi phối, tinh thần 'mạo hiểm', sẽ là những nhân tố để công nghệ của Việt Nam tỏa sáng, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho biết.

Bộ trưởng Khoa học và công nghệ Nguyễn Quân dành cho VnExpresscuộc trao đổi nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5.

- Bộ trưởng đánh giá khoa học Việt Nam đang ở ngưỡng nào?

- Theo đánh giá của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới hiện chúng ta đang đứng ở mức trung bình của các nước thuộc ASEAN. Trong 10 năm qua, Việt Nam đã vượt qua một số quốc gia, nếu như 2003 Việt Nam đứng thứ 7 trong ASEAN thì năm 2013 đứng thứ 5, năm 2014 đứng thứ 4 trong khu vực, vượt qua Indonesia, Philippines và Brunei.

Chúng ta có đội ngũ cán bộ khoa học tương đối đông đảo, có trình độ được nâng cao, quan trọng là các sản phẩm nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam những năm qua đã phục vụ cho sản xuất, kinh doanh cũng như phát triển kinh tế xã hội rất thiết thực. Số lượng các công bố quốc tế và sáng chế của Việt Nam cũng tăng lên, với tốc độ đạt yêu cầu của chiến lược mà Chính phủ đã phê duyệt.

- Ngày Khoa học Công nghệ có ý nghĩa thế nào với cộng đồng các nhà nghiên cứu, thưa ông?

- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói trong lễ công bố năm ngoái, Ngày Khoa học Công nghệ không chỉ là dịp tôn vinh những người làm khoa học mà còn là cơ hội để nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của khoa học công nghệ, đồng thời nuôi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu khoa học cho thế hệ trẻ, đặc biệt là thanh niên, học sinh, sinh viên. Thông qua đó chúng ta sẽ có những phong trào đổi mới sáng tạo, có nhiều các doanh nghiệp khoa học, có nhiều nhà khoa học trẻ có sản phẩm tốt phục vụ xã hội.

- Để chọn một ưu tiên trong năm nay nhằm thúc đẩy phát triển của ngành, ông chọn điều gì?

-  Tôi chọn "doanh nghiệp khởi nghiệp" hay còn gọi là doanh nghiệp start-up, nó là nhân tố thành công của nhiều quốc gia mới phát triển. Doanh nghiệp khởi nghiệp là kết hợp giữa các nhà nghiên cứu với các nhà đầu tư, khi nhà khoa học có ý tưởng, các nhà đầu tư tìm đến để chấp nhận mạo hiểm, cho ra đời những doanh nghiệp hoạt động ban đầu có thể khó khăn nhưng triển vọng rất to lớn, họ chấp nhận đầu tư mạo hiểm. Nếu trong năm nay chúng ta làm cho cơ quan quản lý chấp nhận khái niệm đầu tư mạo hiểm, quan tâm phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp thì năm sau chúng ta có thể có làn sóng các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam, sau 10 năm nữa chúng ta có thể nhìn thấy các kết quả đáng khích lệ như Israel cách đây mấy chục năm đã trở thành "quốc gia khởi nghiệp" như thế nào.

- Bước đi cụ thể cần làm là gì?

- Cần phải thay đổi tư duy của những người làm quản lý, những nhà quản lý và cả doanh nghiệp. Chúng ta hiện nay không có khái niệm đầu tư mạo hiểm, không có khái niệm về doanh nghiệp khởi nghiệp, vì thế không ai tạo nên cơ chế chính sách phù hợp. Chúng tôi đã đi những bước đầu tiên rồi, năm nay đang tổ chức ngày hội khởi nghiệp tại ĐHQG Hà Nội. Chúng tôi cũng đã hỗ trợ tư nhân thành lập quỹ mạo hiểm đầu tiên, hy vọng sau ngày hội khởi nghiệp này sẽ có hàng chục nhóm sinh viên tìm được nhà đầu tư sẽ thành lập được doanh nghiệp khởi nghiệp và sẽ thành công.

Chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ có các doanh nghiệp thành công như Google, hay là Microsoft. Họ ban đầu cũng là các doanh nghiệp khởi nghiệp được đầu tư từ quỹ đầu tư mạo hiểm của Mỹ. 

Chúng ta sống quá lâu trong kinh tế tập trung quan liêu bao cấp. Bây giờ đã đến lúc chúng ta phải thực hiện cơ chế thị trường đầy đủ, trong đó có đầu tư mạo hiểm trong hoạt động khoa học. Trong nghiên cứu khoa học chúng ta phải biết chấp nhận thất bại, có khi còn nhiều hơn thành công. Nhưng trong 10 dự án đầu tư mạo hiểm chỉ cần 1-2 thành công, đủ mang lại lợi ích cho xã hội, bù đắp được thất bại của các dự án khác. Chúng ta hãy để kinh tế thị trường phát huy tác dụng. 

- Việc khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác với các nhà khoa học được đặt ở vị trí thế nào thưa ông?

- Chúng tôi coi đây là giải pháp quan trọng nhất của đổi mới khoa học công nghệ hiện nay. Chúng ta phải đổi mới phương thức đầu tư cho khoa học công nghệ bằng cách để ngân sách Nhà nước chỉ đảm bảo một phần, còn doanh nghiệp phải đảm bảo phần lớn. Đây là kinh nghiệm của các quốc gia phát triển, tức là doanh nghiệp và xã hội đầu tư gấp từ 3-5 lần của ngân sách. Đầu tư của doanh nghiệp cho khoa học công nghệ tạo thuận lợi cho tiếp nhận và chi tiêu, không bị ràng buộc chặt chẽ như tiền ngân sách.

Ở Việt Nam bắt đầu có làn sóng đầu tư cho khoa học công nghệ từ doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước, chẳng hạn tập đoàn Viettel năm nay dự kiến dành hơn 4.000 tỷ đồng cho khoa học công nghệ, Tập đoàn dầu khí quốc gia dành khoảng 2.000 tỷ đồng, Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông là công ty cổ phần nhưng mỗi năm dành 20% lợi nhuận sau thuế cho khoa học công nghệ.

Nếu tất cả các doanh nghiệp Việt Nam đều làm như vậy thì chắc chắn chúng ta sẽ giống các nước khác, có nguồn đầu tư từ doanh nghiệp lớn hơn ngân sách hàng chục lần.

 

Nguồn: vnexpress.net

Số lượt đọc: 16621

Về trang trước Về đầu trang