Tin KHCN trong tỉnh
Chuyển giao công nghệ lọc nước – Hướng đến hạ tầng dùng chung (27/08/2023)
-   +   A-   A+   In  
"Màng nano thông thường thì khoảng 6 tháng – 1 năm là phải thay, nhưng màng nano thế hệ mới có cơ chế tự làm sạch sau chu kỳ xử lý và được khôi phục như mới sau quá trình bảo trì. Do đó hệ thống màng này tuổi thọ lên đến 10 năm. Với việc chuyển giao công nghệ lọc nước bằng màng nano, các khu công nghiệp có thể sử dụng công nghệ này tạo nền tảng, hạ tầng dùng chung nhằm giảm bớt chi phí cho các doanh nghiệp. Thay vì một doanh nghiệp, nhà máy sử dụng nền tảng công nghệ này thì khu công nghiệp có thể sử dụng để các nhà máy tại khu công nghiệp đều được hưởng lợi với chi phí được tối ưu hóa".

Đó là khẳng định của ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tại buổi tọa đàm “Chuyển giao công nghệ lọc nước đột phá Zwitterco”. Tọa đàm do Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Nông sản công nghệ tổ chức vào sáng 27/8 tại Bà Rịa – Vũng Tàu.

 Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Giám đốc điều hành và đồng sáng lập Zwitterco, Alex Rappaport – Đơn vị sở hữu công nghệ cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là tối đa hóa việc tái sử dụng, để doanh nghiệp có thể hạn chế lượng nước ngọt tiêu thụ nhằm tạo ra một tương lai đầy đủ nước hơn”. Công nghệ này phù hợp với Việt Nam đặc biệt là hướng đến công nghệ xanh và phát triển bền vững.

Tại buổi tạo đàm, ông Alex Rappaport nhấn mạnh: Mô hình công nghệ xử lý nước thải và nền tảng công nghệ đặt tại Công ty Cổ phần Tôn Pomina tại Bà Rịa – Vũng Tàu là những nền tảng cơ bản trong việc định hướng phát triển, từ một doanh nghiệp để áp dụng, nhân rộng ra nhiều nhà máy, khu vực khác nhằm mục đích giải quyết bài toán xử lý nước thải cũng như hướng đến các định hướng phát triển kinh tế nhưng chú trọng đến các yếu tố bảo vệ thân thiện với môi trường.

 Công nghệ này được lắp đặt thử nghiệm tại Công ty Cổ phần Tôn Pomina tại Bà Rịa – Vũng Tàu.

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhấn mạnh: Đây là mô hình xử lý nước thải theo công nghệ mới, công nghệ màng lọc nano. Theo khảo sát, dưới góc nhìn của chuyên gia, các doanh nghiệp và một số nhà khoa học đánh giá đây là dự án có khả năng ứng dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ của Việt Nam. Đây là giải pháp đang hướng đến việc áp dụng công nghệ xanh bảo vệ môi trường.

Việc áp dụng công nghệ trong xử lý nước có vai trò và hiệu quả quan trọng đối với doanh nghiệp trong các lĩnh vực đặc biệt là doanh nghiệp công nghiệp và khu công nghiệp. Bởi không có những công cụ công nghệ để tách tất cả các chất gây ô nhiễm ra khỏi nước, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong giải pháp đổ thải và xử lý nước thải kéo theo việc tăng giá thành sản phẩm.

Ký kết hợp tác giữa các đơn vị. 

Đặc biệt, trong ngành nông nghiệp, chế biến thực phẩm, qua quá trình xử lý thịt và gia cầm, nước thải từ sữa và các ứng dụng xử lý sinh học, xử lý chất thải động vật, vật liệu thu được sau khi lọc qua bằng màng nano ZwitterCo có thể chuyển hóa thành phân bón hoặc nguyên liệu thô cho các loại phân hóa học, dầu mỡ… để tạo ra nguồn doanh thu mới. Trong ngành công nghiệp thịt và gia cầm, chất béo và dầu mỡ thu được sẽ chuyển hóa thành thức ăn cho vật nuôi. Trong ngành công nghiệp chế biến sinh học, vật liệu tế bào thu được trở thành nguyên liệu hữu cơ cho ngành công nghiệp phân bón.

Trong khuôn khổ tọa đàm, đã diễn ra Lễ ký kết giữa Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia và các đơn vị nhằm thúc đẩy thương mại hóa và hỗ trợ phát triển dự án tại Việt Nam.

Nguồn: vietQ.vn

Số lượt đọc: 2819

Về trang trước Về đầu trang