Cũng như mọi lĩnh vực hoạt động khác, văn hoá dân gian nói chung và văn học dân gian nói riêng có cấu trúc nội tại và có liên hệ với các khía cạnh xã hội, kinh tế, chính trị của vùng, của đất nước. Văn học dân gian tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng là một nhánh trong dòng chảy văn học dân gian của cả dân tộc, văn học dân gian nơi đây ngoài những đặc trưng chung của văn học dân gian cả nước còn chứa đựng trong bản thân nó những sắc thái riêng, phản ánh tâm hồn, tính cách, đời sống sinh hoạt và lao động của cư dân miền Nam nói chung và quê hương biển đảo nói riêng. Hiện tượng tồn tại, biến đổi và phát triển của văn học dân gian đều có ảnh hưởng và tác động không nhỏ đến xã hội hiện nay, nhất là vùng có truyền thống lâu đời như Bà Rịa – Vũng Tàu. Vì vậy, việc nghiên cứu văn học dân gian người Việt tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là một việc làm cấp thiết nhằm lưu giữ lại những vẻ đẹp dân dã, truyền thống đang dần mai một bởi sự chuyển mình của xã hội nông thôn dưới ảnh hưởng của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Qua thời gian thực hiện, nhóm nghiên cứu đề tài đã hoàn thành công trình “Tuyển tập văn học dân gian người Việt tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu” gần 500 trang A4 với hơn 2.571 tác phẩm thuộc hai loại hình văn vần dân gian và văn xuôi dân gian với 10 thể loại đã được chọn lọc, chỉnh lý, biên soạn từ nguồn tài liệu sưu tầm điền dã gần 9.000 đơn vị trong hai đợt.
Đề tài cũng khái quát được chi tiết diện mạo đặc trưng, những đặc điểm nội dung và hình thức nghệ thuật của các thể loại trong kho tàng văn học dân gian tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ đó, đề xuất giải pháp ứng dụng giảng dạy văn học dân gian địa phương trong nhà trường, ứng dụng trong du lịch và các hoạt động văn hóa lễ hội, tín ngưỡng dân gian, sinh hoạt cộng đồng ở địa phương. Đề xuất giải pháp lưu trữ và sử dụng nguồn tài liệu sưu tầm được cũng như những kết quả nghiên cứu đã thực hiện được; cung cấp số liệu và các nhận định tổng quan ban đầu về văn học dân gian địa phương cho các nghiên cứu chung về văn học dân gian cả nước sau này.
Với kết quả đạt được, Hội đồng khoa học và công nghệ đã thống nhất nghiệm thu đề tài. Tuy nhiên, cần chỉnh sửa, hoàn thiện đề tài theo góp ý của các thành viên hội đồng.