Tiêu chuẩn ĐLCL
Bổ sung quy định về Hạ tầng Chất lượng quốc gia: Đón sóng hội nhập, tiếp cận CMCN 4.0 (31/05/2023)
-   +   A-   A+   In  

Bộ KH&CN đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Xác định vấn đề bất cập

Theo thông lệ quốc tế, Hạ tầng chất lượng quốc gia (National Quality Infrastructure, NQI) là hệ thống cơ chế pháp lý và kỹ thuật để triển khai hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, đánh giá sự phù hợp (bao gồm cả công nhận) ở từng quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trong nước, đẩy mạnh sự thừa nhận của quốc tế để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ toàn cầu.

Hạ tầng chất lượng quốc gia là thuật ngữ tương đối mới. Thuật ngữ này không có nghĩa là chất lượng của các hạ tầng vật lý như: đường xá, bến cảng hoặc lưới điện… Mặc dù các cấu phần của NQI gồm đo lường, tiêu chuẩn, công nhận và hoạt động đánh giá sự phù hợp có rất nhiều đóng góp quan trọng để đảm bảo chất lượng của hạ tầng vật lý. Tuy nhiên, phạm vi của NQI rộng hơn rất nhiều. Thuật ngữ này đề cập đến hệ thống phần cứng (hardware) và phần mềm (software) cần thiết để đảm bảo chất lượng sản phẩm và dịch vụ của một nền kinh tế.

Báo cáo của tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) năm 2022 công bố: cơ sở hạ tầng chất lượng (QI) gồm 5 thành phần: Tiêu chuẩn, Đo lường, Đánh giá sự phù hợp, Giám sát thị trường (Market surveillance), Chính sách. Các thành phần này là công cụ hỗ trợ cho phát triển dựa trên các chỉ tiêu phát triển bền vững (SDGs) đến năm 2030 của Liên Hiệp Quốc: xã hội (con người), môi trường (hành tinh), kinh tế (sự phồn vinh).

Hạ tầng chất lượng quốc gia phản ánh chất lượng, hiệu quả của sự phát triển kinh tế và xã hội của một quốc gia và là phản ánh quan trọng về khả năng cạnh tranh toàn diện của một quốc gia. Môi trường thể chế và đặc điểm cơ chế của phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia rất khác nhau giữa các quốc gia, nhưng xét từ quan điểm của con đường phát triển toàn cầu, tất cả quốc gia đều trải qua quá trình phân cấp để thống nhất, phối hợp và hội nhập, trong đó chú trọng hơn đến chiến lược, đổi mới và quốc tế, để nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế của họ bằng cách nâng cao năng lực công nghệ.

Trên phạm vi toàn cầu, NQI của các quốc gia được đánh giá và biểu diễn bằng Chỉ số Hạ tầng chất lượng toàn cầu (Global Quality Infrastructure Index, GQII). GQII đo lường mức độ phát triển NQI ở các quốc gia phát triển và các quốc gia đang phát triển. Trên thế giới, Hạ tầng chất lượng (Quality Infrastructure, QI) là động lực thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế và tạo cơ sở vững chắc cho tăng trưởng bền vững và cân bằng, phát triển bền vững.

Tại Việt Nam, Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) cũng được hình thành trên nền tảng quy định tại Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Đo lường. Tuy nhiên, khái niệm Hạ tầng chất lượng quốc gia, các nguyên tắc, biện pháp để tổ chức thực hiện nhằm thúc đẩy sự phát triển, nâng cao Chỉ số Hạ tầng chất lượng quốc gia của Việt Nam trong đánh giá, xếp hạng Chỉ số Hạ tầng chất lượng toàn cầu (Global Quality Infrastructure Index, GQII) chưa được quy định làm rõ. Việc tăng cường năng lực Hạ tầng chất lượng quốc gia là yêu cầu, giải pháp quan trọng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

 Ảnh minh hoạ

Mục tiêu giải quyết vấn đề

Nghiên cứu, bổ sung quy định về khái niệm Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI), các nguyên tắc, biện pháp để tổ chức thực hiện. Có hai phương án đối với vấn đề nêu trên. Một là giữ nguyên quy định như hiện nay. Phương án 2 là bổ sung quy định về khái niệm Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI), các nguyên tắc, biện pháp để tổ chức thực hiện nhằm nâng cao Chỉ số Hạ tầng chất lượng quốc gia của Việt Nam trong đánh giá, xếp hạng Chỉ số Hạ tầng chất lượng toàn cầu (Global Quality Infrastructure Index, GQII) trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Nếu triển khai phương án 1, về mặt tích cực, đối với Nhà nước sẽ không tốn kém thời gian, chi phí sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật và đầu tư nguồn lực để đẩy mạnh hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, đánh giá sự phù hợp và công nhận chất lượng theo thông lệ quốc tế.

Đối với tổ chức, cá nhân sẽ tiết kiệm được chi phí và nguồn lực trong việc sửa đổi, bổ sung chính sách kinh doanh, cải tiến, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, nâng cao năng lực đo lường, đánh giá sự phù hợp. Chính sách không ảnh hưởng đến cơ hội, điều kiện và thụ hưởng các quyền, lợi ích của mỗi giới do chính sách được áp dụng chung, không mang tính phân biệt, không làm phát sinh thủ tục hành chính mới do vẫn giữ các quy định hiện hành.

Chính sách không có tác động đối với hệ thống pháp luật do quy định không thay đổi. Tuy nhiên, giải pháp này chưa phù hợp hoàn toàn với thông lệ quốc tế, nghĩa vụ của các FTA thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay.

Về tác động tiêu cực, đối với Nhà nước, chưa nâng cao được NQI vốn là một công cụ quan trọng giúp cải thiện, phát triển kinh tế đối với mỗi quốc gia, là động lực thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế và tạo cơ sở vững chắc cho tăng trưởng bền vững và cân bằng, phát triển bền vững; chưa hỗ trợ được các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; chưa nâng cao được Chỉ số Hạ tầng chất lượng quốc gia của Việt Nam trong đánh giá, xếp hạng Chỉ số Hạ tầng chất lượng toàn cầu (Global Quality Infrastructure Index, GQII).

Đối với tổ chức, cá nhân, chưa được tạo đầy đủ điều kiện cũng như hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Nếu triển khai theo phương án 2, về mặt tích cực, đối với Nhà nước thì việc nâng cao được NQI là công cụ quan trọng giúp cải thiện, phát triển kinh tế đối với mỗi quốc gia, là động lực thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế và tạo cơ sở vững chắc cho tăng trưởng bền vững và cân bằng, phát triển bền vững; hỗ trợ được các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; nâng cao Chỉ số Hạ tầng chất lượng quốc gia của Việt Nam trong đánh giá, xếp hạng Chỉ số Hạ tầng chất lượng toàn cầu (Global Quality Infrastructure Index, GQII), góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, loại bỏ rào cản kỹ thuật trong thương mại, nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh doanh.

Đối với tổ chức, cá nhân sẽ được tạo đầy đủ điều kiện cũng như hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Chính sách không ảnh hưởng đến cơ hội, điều kiện và thụ hưởng các quyền, lợi ích của mỗi giới do chính sách được áp dụng chung, không mang tính phân biệt. Việc áp dụng các quy định không làm phát sinh thủ tục hành chính mới. Phương án 2 cũng không có tác động tới bộ máy nhà nước, không cần bổ sung điều kiện thi hành, không tác động tới các quyền cơ bản của công dân, phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay, phù hợp với nghĩa vụ của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Về mặt tiêu cực, đối với Nhà nước sẽ tốn kém thời gian, chi phí sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật và đầu tư nguồn lực để đẩy mạnh hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, đánh giá sự phù hợp và công nhận chất lượng theo thông lệ quốc tế. Đối với tổ chức, cá nhân sẽ gây tốn kém chi phí và nguồn lực trong việc sửa đổi, bổ sung chính sách kinh doanh, cải tiến, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, nâng cao năng lực đo lường, đánh giá sự phù hợp.

Từ những phân tích nêu trên, Bộ KH&CN kiến nghị lựa chọn phương án 2 là phương án đem lại nhiều tác động tích cực, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn quản lý, phù hợp thông lệ quốc tế, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam và hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

 

Nguồn: vietq.vn

Số lượt đọc: 1594

Về trang trước Về đầu trang