Tin KHCN nước ngoài
Các nhà khoa học chế tạo pin sạc “ăn được” (09/05/2023)
-   +   A-   A+   In  
Nhóm nghiên cứu tại Viện Công nghệ Ý do Mario Caironi dẫn đầu, đã chế tạo được loại pin mới hoàn toàn từ các thành phần ăn được. Loại pin này ra đời, lấy cảm hứng từ các phản ứng oxy hóa khử sinh hóa sản sinh năng lượng trong các tế bào của con người và tất cả các loài động vật khác.

Cực dương của pin bao gồm riboflavin (còn gọi là vitamin B2), trong khi cực âm được làm bằng quercetin. Cả hai chất này đều được tìm thấy trong tự nhiên ở nhiều loại thực vật và thực phẩm khác. Than hoạt tính được sử dụng bổ sung để tăng tính dẫn điện.

Chất điện phân từ nước và lớp phân cách (màng thấm giữa cực dương và cực âm, ngăn chặn hiện tượng đoản mạch) được tạo nên nhờ có rong biển nori, loại thường được sử dụng làm sushi. Cuối cùng, hai điểm tiếp xúc bằng lá vàng làm từ thực phẩm nhô ra khỏi lớp phủ sáp ong trên cực dương và cực âm.

Sau khi được sạc, pin 0,65volt có khả năng cung cấp dòng điện 48 microampe trong 12 phút hoặc chỉ vài microampe trong hơn một giờ. Mặc dù công suất pin không lớn, nhưng được cho là đủ để cung cấp năng lượng cho các thiết bị điện tử nhỏ như đèn LED công suất thấp.

Caironi cho rằng: “Pin mới công suất thấp có các ứng dụng tiềm năng trong tương lai như các mạch và cảm biến theo dõi sức khỏe cho đến cung cấp năng lượng cho các cảm biến để giám sát các điều kiện bảo quản thực phẩm. Hơn nữa, do loại pin này an toàn nên chúng có thể được sử dụng trong đồ chơi trẻ em vì trẻ có nguy cơ cao nuốt phải khi chơi. Trên thực tế, chúng tôi đã chế tạo các thiết bị có dung lượng lớn hơn và giảm kích thước tổng thể".

Nghiên cứu gần đây đã được công bố trên tạp chí Advanced Materials. Các nhà khoa học tại Đại học Carnegie Mellon trước đây đã từng chế tạo một loại pin ăn được nhờ sử dụng các sắc tố melanin xuất hiện tự nhiên trong da, tóc và mắt của con người.

Nguồn: NASATI

Số lượt đọc: 4429

Về trang trước Về đầu trang